Mới đây, trang web cộng đồng quốc tế Inter Nations vừa công bố báo cáo xếp hạng điểm đến lý tưởng cho người nước ngoài đến làm việc (Expat Insider 2022 Ranking). Trong đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 7 toàn cầu, lọt Top 10 điểm đến tốt nhất, trong Báo cáo xếp hạng các điểm đến lý tưởng cho người nước ngoài tới làm việc và sinh sống. Trong các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Indonesia.
Trước đó, BXH Best Cities for Expats 2022 (thành phố lý tưởng cho người nước ngoài đến làm việc) của Inter Nations cũng xếp thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí thứ 6 cùng với nhiều ưu điểm vượt trội giúp thu hút lượng lớn lao động cao từ khắp nơi trên thế giới.
Vậy lí do gì đã khiến thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung trở thành điểm đến có sức hút bậc nhất Đông Nam Á? Sau đây là 4 lí do được Inter Nation đưa ra nhằm giải mã câu hỏi trên:
Vượt trội về chỉ tiêu Tài chính cá nhân
Việt Nam được đánh giá có chỉ số xuất sắc về hạng mục tài chính cá nhân khi đứng đầu thế giới trong danh sách các nước khảo sát. Trong đó, phần lớn người nước ngoài (80%) hài lòng với chi phí sinh hoạt chung, so với chỉ 45% trên toàn cầu.
“Việt Nam chính là đất nước có giá cả phải chăng ở hầu hết các khu vực”, trích nhận xét của một người Thụy Sỹ tại TP.Hồ Chí Minh.
Không có áp lực gì khi nói về tình hình tài chính, có tới 79% người được khảo sát hài lòng với yếu tố này (so với 60% trên toàn cầu) và 92% nói rằng thu nhập khả dụng của họ đủ hoặc dư để có một cuộc sống thoải mái tại Việt Nam (so với 72% trên toàn cầu).
“Tôi sống thoải mái với thu nhập của mình, một người Mỹ làm việc tại Việt Nam chia sẻ.
Thành phố thân thiện – được chào đón nồng nhiệt, cảm nhận như ở nhà
Bảng xếp hạng năm nay của InterNations khảo sát 12.420 lao động đang làm việc và sinh sống tại 186 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã bình chọn về 57 TP. Những người tham gia đã đánh giá nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, cả về cảm xúc, như sự dễ dàng trong việc tìm kiếm bạn bè đến sự sẵn có của dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Những khía cạnh đó lại được tập trung ở 4 chủ đề chính là chất lượng cuộc sống đô thị, ổn định cuộc sống, công việc, tài chính và nhà ở.
Đối với người nước ngoài đến Việt Nam, định cư là một vấn đề khá dễ dàng. Họ xếp Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách xếp hạng Chỉ số Dễ định cư. Họ thích sự thân thiện tại các địa phương mà họ trải nghiệm. Hầu hết người nước ngoài (84%) cảm nhận cư dân địa phương thân thiện (so với 66% trên toàn cầu) và 83% nhận thấy họ thân thiện với cư dân nước ngoài nói riêng (so với 65% trên toàn cầu).
Một người Mỹ gốc Hoa thích nhất “sự nồng hậu, trung thực và thân thiện của người dân bản địa”. Có cùng cảm nhận như vậy, một người Malaysia nhấn mạnh yếu tố “con người và văn hóa thân thiện” khi sống tại Việt Nam.
Văn hóa địa phương là một trong những yếu tố mà người nước ngoài đặc biệt hài lòng – 83% cảm thấy được chào đón ở Việt Nam (so với 66% trên toàn cầu) và 71% cảm thấy như ở nhà (so với 62% trên toàn cầu).
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng hỏi về chi phí sinh hoạt tại địa phương nhưng không được tính vào bảng xếp hạng tổng thể, vì theo ban tổ chức để tránh trình bày quá mức về các khía cạnh tài chính. Kết quả, TP.HCM được xếp hạng 6 toàn cầu về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài, trong khi Kuala Lumpur (Malaysia) dẫn đầu. Đứng sau TP.HCM là Praha (CH Czech), Mexico City (Mexico), Basel (Thụy Sĩ) và Madrid (Tây Ban Nha).
Ở một số hạng mục, TP.HCM được đánh giá cao như đứng thứ hai về mức độ hài lòng đối với chi phí sinh hoạt và đứng đầu trong hạng mục phụ về đánh giá tài chính (nếu tính chung với chỉ số nhà ở thì đứng thứ hai). Theo đó, 75% người nước ngoài nói rằng thu nhập hộ gia đình khả dụng của họ là quá đủ để trang trải chi phí và 77% hài lòng với tình hình tài chính của họ. Ngoài ra, TP.HCM còn nhận được hạng nhất về sự hài lòng tổng thể trong công việc…
Dễ dàng tạo một mạng lưới quan hệ cá nhân
Đây là yếu tố quan trọng đối với cuộc sống của những người xa xứ. Người nước ngoài cho rằng, việc kết bạn tại Việt Nam rất dễ dàng (54% hài lòng so với 42% trên toàn cầu). Hơn 2/3 (69%) hài lòng với cuộc sống xã hội của họ, so với 56% trên toàn cầu. Hơn nữa, 63% có mạng lưới hỗ trợ cá nhân ở Việt Nam, ví dụ, những người mà họ có thể tìm đến để được hỗ trợ thực tế/tinh thần (so với 59% trên toàn cầu).
Tìm thấy cơ hội gắn bó lâu dài
Là người làm việc và gắn bó với nhiều thành phố lớn trong bảng khảo sát này, đồng thời là chuyên gia tư vấn về chiến lược nhân sự cho nhiều tập đoàn, ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng các công ty nước ngoài đang chuyển văn phòng khu vực về Việt Nam, thay vì trước đây là Hồng Kông và Singapore.
Điều này phản ánh một điều cực kỳ thú vị, đó là chính sách đầu tư, thị trường, nhân sự, đãi ngộ… cơ hội của Việt Nam đã đạt tầm khu vực. “Không phải tự nhiên mà các tập đoàn khi vào châu Á cứ chọn Singapore để đặt văn phòng đại diện khu vực, trong khi toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ lại diễn ra tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar. Qua làm việc với các đối tác, mấy năm gần đây tôi nhận thấy các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn nào đó tại Việt Nam để quyết định gắn bó lâu dài. Thế nên, nhiều quản lý cấp cao cũng đến sinh sống và làm việc ở Việt Nam”, ông Robert Trần nói.
Bảo Trâm (Theo Inter Nations)
Nguồn: Cánh cò