18 C
Hanoi
Trang chủTin tứcKinh tếPhía sau việc “Thái tử Samsung” đến Việt Nam

Phía sau việc “Thái tử Samsung” đến Việt Nam

Ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung (người giàu thứ ba Hàn Quốc với khối tài sản 6,8 tỉ USD và được mệnh danh là “thái tử Samsung”), vừa cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội. Điều này điều này cho thấy vị trí và tầm quan trọng Việt Nam trong chiến lược của “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc.

Phía sau việc “Thái tử Samsung” đến Việt NamChủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong.

Hồi tháng 10/2020, trên cương vị Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong đã đi thị sát công trường xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam và thông tin về kế hoạch mở rộng đầu tư tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó. Cũng tại cuộc gặp hồi năm 2020 này, ông Lee Jae-yong khẳng định sẽ đưa trung tâm R&D vào vận hành vào cuối năm 2022. Đúng như đã cam kết, vừa qua, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội – Tòa nhà đầu tiên được “gã khổng lồ” điện tử Hàn Quốc xây dựng ở nước ngoài – phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển của tập đoàn. Điều đó cho thấy có nhiều thứ để kỳ vọng cho một tương lai công nghệ không xa của Việt Nam.

Phía sau việc “Thái tử Samsung” đến Việt NamCông trường xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đang được Samsung coi là một “đại bản doanh” toàn cầu của mình. Tại đây, Samsung đang vận hành các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cùng nhà máy sản xuất TV và thiết bị gia dụng. Các nhà máy tại Việt Nam đang sản xuất hơn 50% số điện thoại thông minh của Samsung được bán trên toàn thế giới. Từ đầu năm 2022, Samsung đã rót thêm 920 triệu USD nhằm mở rộng dự án Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên, nâng tổng vốn của riêng dự án này lên gần 2,3 tỷ USD. Đây là nhà máy sản xuất lưới bóng chíp bán dẫn và các linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các sản phẩm điện và điện tử khác… Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, nhà đầu tư thường hoãn việc mở rộng ngay, thì việc Samsung tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam đã một lần nữa khẳng định cam kết đầu tư lâu dài của tập đoàn Hàn Quốc và đồng thời cũng xác tín thêm một lần nữa, Việt Nam đang là “cứ điểm” sản xuất toàn cầu quan trọng nhất của Samsung.

Phía sau việc “Thái tử Samsung” đến Việt NamÔng Lee Jae-yong, khi đó là Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2020.

Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc ngày 4-6/12/2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, truyền thông Hàn Quốc đã gợi mở vấn đề khả năng Samsung sẽ thành lập nhà máy chip bán dẫn tại Việt Nam khi chúng ta đang là cứ điểm sản xuất chiến lược của gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc. Do đó, sự kiện Chủ tịch của Tập đoàn Samsung đến Việt Nam cũng có thể là nhằm mục đích tăng cường quản lý toàn cầu và tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh mới tại đây.

Kỳ vọng đang được đặt ra là một khi Samsung thực sự đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn ở Việt Nam, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư khác bước vào sân chơi, giống như cách mà Samsung đã làm được với công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, không dễ để Việt Nam thu hút được đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Vấn đề không chỉ nằm ở dung lượng thị trường, công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, logistic, mà còn là các chính sách phát triển kinh tế ngành, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này. Và để thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam sẽ cần có một sự chuẩn bị mang tính nền tảng hơn.

Diệu Hương

Nguồn: Cánh cò

BÀI MỚI

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây