24 C
Hanoi
Trang chủPhản biệnKhuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có...

Khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương đúng

Quy định số 1629-QĐ/TU về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM vừa được Thành ủy TPHCM ban hành nêu rõ, việc mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM không phải là một giao dịch dân sự. Đây được xem là hình thức khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM.

Khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương đúng

Nhưng mới đây ngày 01/11/2023 trên trang facebook của Việt Tân đăng bài “BÀ CON CẨN THẬN KẺO ĐẢNG LỪA” đưa ra những luận điệu cho là quy định khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM là “lừa dân”… Đây thực chất là những luận điệu quen thuộc nhằm xuyên tạc, bịa đặt, kích động quần chúng, chia rẽ làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân, đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích quốc gia, dân tộc và nguyện vọng của nhân dân.

Trong quy định đã nêu rõ việc mua tin không phải là một giao dịch dân sự mà là hình thức khuyến khích, động viên nhằm phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Người dân có thể gửi thông tin về Ban Chỉ đạo PCTNTC TP.HCM (BCĐ), các thành viên trong BCĐ và cơ quan thường trực là Ban Nội chính Thành ủy. Việc tiếp nhận thông tin theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người cung cấp thông tin (CCTT) chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, CCTT trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian. Danh tính của người CCTT được ký hiệu bằng mã số và lưu trữ theo chế độ mật.

Giá trị, mức chi trả của thông tin được xem xét, xác định toàn diện theo kết luận, kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo mức độ, tính chất hành vi tham nhũng, tiêu cực. Người CCTT được nhận tối đa 10 triệu đồng/tin (vụ việc). Trường hợp thông tin do nhiều người cung cấp và được gửi đến nhiều nơi thì chỉ xem xét chi trả tiền mua tin 1 lần cho người cung cấp tin sớm nhất. Người CCTT có quyền không nhận tiền. Ngoài chi trả tiền mua tin, nếu nguồn tin cung cấp có giá trị cũng sẽ được khen thưởng phù hợp.

Về quy trình xử lý, thành viên BCĐ khi tiếp nhận thông tin rà soát ban đầu, lập phiếu chuyển đến Ban Nội chính Thành ủy để xử lý đối với các đơn đủ điều kiện trong 2 ngày làm việc. Trường hợp không thụ lý, BCĐ thông báo cho người CCTT trong 10 ngày làm việc, hoàn trả văn bản, tài liệu hoặc lưu trữ.

Việc tiếp nhận thông tin của người cung cấp tin phải theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người cung cấp thông tin chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, cung cấp thông tin trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian. Danh tính của người cung cấp thông tin phải được ký hiệu bằng mã số.

Ban Thường vụ Thành uỷ cũng yêu cầu bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các thông tin, tài liệu của người cung cấp thông tin phải được thẩm tra, xác minh, sử dụng, quản lý hiệu quả, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Người cung cấp thông tin sẽ được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin.

Người cung cấp thông tin có nghĩa vụ cung cấp, bổ sung các thông tin, tài liệu về các hành vi tham nhũng, tiêu cực; không được phát tán, tiết lộ, hủy hoại tin, làm sai lệch thông tin gốc trong thời gian cơ quan chức năng chưa có kết luận thẩm tra, xác minh thông tin. Đồng thời, chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra.

Theo Thường trực Thành ủy TP.HCM, quy định mua tin là một bước kế thừa, phát huy Quy định 1374 năm 2017 của Thành ủy TP.HCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong 5 năm, TP.HCM nhận 9.864 thông tin, trong đó thông tin từ ý kiến cử tri chiếm 22%, giám sát của cơ quan dân cử chiếm 16,5%, khiếu nại, tố cáo chiếm 49,5% và tin từ báo chí chiếm 12%, tỷ lệ thông tin được xử lý hơn 97%. Thông qua việc thực hiện quy định này, TP.HCM kỷ luật 15 tổ chức Đảng và 405 đảng viên, kỷ luật về chính quyền đối với 453 trường hợp[1].

Như vậy, Quy định số 1629-QĐ/TU về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM sẽ tạo sự chuyển biến nâng cao nhận thức, răn đe, cảnh báo cán bộ, đảng viên góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên nhiều mặt

Qua đây, chúng ta càng nhận diện rõ hơn bản chất phản động, chống phá, xuyên tạc, sẵn sàng phủ nhận những thành quả trong công tác phòng chống tham nhũng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực, cố gắng gây dựng. Đây là một hành động rất nguy hiểm của bọn phản động nói chung và của bọn làm tiền Việt Tân nói riêng, chúng ta cần tỉnh táo nhận thức đúng vấn đề và đứng lên vạch rõ âm mưu của bọn chúng./.

VĂN TƯ

[1] Theo báo thanh niên, 01/11/2023; https://thanhnien.vn/mua-tin-de-phong-chong-tham-nhung-185231101001843933.htm.

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÀI MỚI

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây